Thần học thành phố
“Còn Ta, Ta lại không tiếc thành lớn Ni-ni-ve trong đó có hơn một trăm hai mươi nghìn người không biết phân biệt tay phải và tay trái, cùng với rất nhiều đàn súc vật đó sao?” – Giô-na 4:11
Trên hết và trước hết, Đức Chúa Trời quan tâm các thành phố vì có rất nhiều người và súc vật sống trong đó. Ni-ni-ve là thủ đô của Đế quốc A-sy-ri, kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Dù vậy, Chúa đã sai tiên tri Giô-na đi đến thành phố này để cảnh báo về sự hủy diệt sắp xảy ra, bất chấp việc ông không muốn làm điều này. Dân chúng trong thành ăn năn và Chúa rút lại hình phạt, nhưng Giô-na thì tức giận vì Chúa thương xót họ.
Đôi khi Cơ Đốc nhân cũng có thái độ tương tự như thái độ của Giô-na. Tại sao Chúa lại ban phước cho thành phố này? Hội thánh thì có liên quan gì đến những nan đề của đô thị? Vì sao lại sử dụng tài nguyên của Vương quốc cho những vấn đề của thế gian? Tại sao phải đầu tư tiền bạc và thời gian mà không nhìn thấy lợi ích trực tiếp nào cho hội thánh?
Câu trả lời rất đơn giản: Chúa yêu thương các thành phố vì Ngài yêu thương con người và tạo vật của Ngài. Từ lúc ban đầu, các thành phố luôn là một phần trong chương trình của Chúa dành cho nhân loại. Thực ra, Chúa là kiến trúc sư và nhà xây dựng thành phố (Hê-bơ-rơ 11:10). Câu chuyện của Kinh Thánh bắt đầu trong một khu vườn nhưng kết thúc tại một thành phố.
Chúa có một tầm nhìn rõ ràng về những điều tạo nên một thành phố tốt đẹp và thành phố đó cần đem lại lợi ích cho mọi cư dân như thế nào. Trong Cựu Ước, nhiều câu chuyện minh chứng cho những điều mà một thành phố không nên có (tham nhũng, bất công, áp bức, thờ hình tượng). Đặc biệt, thủ đô của Y-sơ-ra-ên là Giê-ru-sa-lem đã thất bại thảm hại trong điều này. Những khải tượng về thành Giê-ru-sa-lem giúp vẽ nên bức tranh về một thành phố lý tưởng theo cái nhìn của Chúa. Phân đoạn sau đây là một ví dụ:
Đức Giê-hô-va vạn quân phán: “Sẽ còn có những ông cụ, bà cụ ngồi nghỉ tại các quảng trường của Giê-ru-sa-lem; ai nấy đều cầm gậy vì cao tuổi. Các quảng trường của thành phố sẽ đầy những con trai và con gái vui chơi tại đó.” Đức Giê-hô-va vạn quân phán: “Trong những ngày ấy, dù đó là điều lạ lùng dưới mắt dân sót này, thì dưới mắt Ta nó có lạ lùng gì chăng?” Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. – Xa-cha-ri 8:4–6
Ngày nay, trẻ con vui chơi ngoài đường phố là điều có vẻ xa lạ đối với chúng ta. Hà Nội thiếu các khu vui chơi và không gian ngoài trời, nơi những người cao tuổi có thể thanh thản xem các em nhỏ vui đùa một cách an toàn. Nhưng đối với Chúa, điều này không có gì lạ, mà nó cần là điều bình thường. Hãy hình dung tất cả những điều cần phải thay đổi để tạo ra những không gian như thế tại Hà Nội. Cần phải hành động để biến thành phố của chúng ta trở nên giống với khải tượng của Chúa.
Ê-sai 65:17–25 mô tả những điều thật tuyệt vời về thành Giê-ru-sa-lem mới: những Festival ăn mừng và hân hoan (câu 17–25), y tế công cộng cho trẻ em và người cao tuổi (câu 20), nhà ở và lương thực cho mọi người (câu 21–22), các hệ thống hỗ trợ gia đình (câu 23), và không có bạo lực (câu 25). Đây là một thành phố bình an.
Tiếng Hê-bơ-rơ của từ bình an là shalom, nó bao gồm mọi thứ trong cuộc sống. Giê-ru-sa-lem nghĩa là “nền tảng của shalom”. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu khóc về Giê-ru-sa-lem khi Ngài vào thành phố này trước khi chịu đóng đinh. Ngài phán: “Ước gì, ngay hôm nay, ngươi biết được những điều làm cho ngươi bình an! Nhưng bây giờ những điều ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi”. – Lu-ca 19:42
Hai lần dân của Chúa không nhận biết tấm lòng và kế hoạch của Chúa dành cho thành phố. Qua sứ đồ Giăng, một lần nữa Chúa bày tỏ tầm nhìn của Ngài cho các thành phố: "Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống, chuẩn bị sẵn như cô dâu trang điểm chờ chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ ngai nói rằng: “Kìa, đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ. Ngài sẽ lau ráo nước mắt trên họ. Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.” – Khải Huyền 21:2–4
Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời”. Việc chúng ta yêu thành phố của mình bày tỏ rõ ràng tình yêu của Chúa dành cho mọi người (Giăng 3:16). Sự kêu gọi dành cho mỗi Cơ Đốc nhân và nhiệm vụ của mỗi hội thánh là cầu nguyện và tìm kiếm sự bình an cho thành phố và cộng đồng của họ. Bởi vì khi thành phố thịnh vượng thì dân của Ngài cũng như thế (Giê-rê-mi 29:7).
Để hiểu hơn về một thần học có tầm nhìn rộng lớn cho cả thành phố, xin tìm đọc sách của tác giả Ray Bakke, có bán trong văn phòng Festival Yêu Hà Nội hay tại Hội thanh Quốc tế Hà Nội (HIF). Bạn cũng có thể xin đường link video của chiến dịch “Yêu Thành Phố Của Bạn”.