top of page

Lịch sử Hội thánh

Cách đây 500 năm, vào ngày 31/10/1517, Martin Luther đã đóng Chín Mươi Lăm Luận Đề của ông trên cửa nhà thờ ở Wittenberg, Đức, đánh dấu cho sự khởi đầu của Cuộc Cải Chánh và Tin Lành-Kháng Cách.

Tiếp bước theo nhiều nhà cải cách đã lên tiếng tố cáo nạn tham nhũng giữa vòng Hội thánh Công giáo La Mã, hành động của Luther nhằm phản đối những sự xuyên tạc thần học về sự cứu rỗi và ân điển. Chỉ Kinh Thánh mới có thẩm quyền và sự xưng công bình chỉ bởi đức tin.  

Tuy nhiên, gần bốn thế kỷ sau đó mới có những giáo sĩ Tin Lành đầu tiên đến Việt Nam. Alexander de Rhodes (Cha Đắc Lộ), vị giáo sĩ Công giáo nổi tiếng vào thế kỷ XVII, người đã chuyển hóa chữ viết tiếng Việt sang mẫu tự La-tinh, đã viết về cuộc gặp gỡ với những thương buôn Tin Lành Âu châu. De Rohdes thuật lại rằng những người Anh hay người Hà Lan này không muốn “rước lấy khó khăn vào mình để cải đạo những người ngoại này, cũng không hề có chút yêu thương nào để nói cho họ biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu”. Thậm chí vào những năm 1800, “Thế kỷ vĩ đại” của truyền giáo Tin Lành, thì các quốc gia ở khu vực Đông Dương vẫn bị quên lãng.

Ngay trước khi bước sang thế kỷ XX mới có những giáo sĩ Tin Lành đầu tiên đến Việt Nam cùng với Thánh Kinh hội Anh quốc và Ngoại quốc. Một nhân sự người Pháp tên là Bonnet của cơ quan này đã dịch một số phần Kinh Thánh sang tiếng Việt vào năm 1890. Tuy nhiên vẫn chưa có hội thánh nào được mở ra. Trong lúc đó, nhiều giáo sĩ từ Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp (CM&A) có trụ sở ở Trung Quốc đã ra vào Việt Nam. Chính Bonnet là người đã tạo điều kiện để mời các giáo sĩ CMA đến thành phố Đà Nẵng (lúc bấy giờ được gọi là Tourane) vào năm 1911.

Dưới sự lãnh đạo của R. A. Jaffray, CM&A đã bắt đầu thành lập các hội thánh trên cả nước với tiêu chí tự dưỡng, tự trị và tự nhân rộng. Năm 1913, nhà nguyện đầu tiên được xây dựng ở Đà Nẵng. Năm 1916, cặp vợ chồng người Canada, William và Grace Cadman, di chuyển từ Hải Phòng đến Hà Nội. Bởi sự can thiệp lạ lùng của Chúa, vào ngày 14/05/1918, họ đã mua được mảnh đất của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội ngày nay. Với kiến thức tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp của mình, bà Grace đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Ông William, vốn làm nghề in, đã xuất bản trọn bộ Kinh Thánh tiếng Việt vào năm 1926 – một kỳ tích lạ lùng chỉ trong một thời gian ngắn. Đến năm 1929, các hội thánh ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam được hợp nhất thành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Vào ngày 15/10/2016, hơn 6000 Cơ Đốc nhân đã nhóm lại để kỷ niệm 100 năm công tác truyền giáo Tin Lành được bắt đầu ở Hà Nội. Trong suốt thời kỳ đó, nhiều biến cố đã xảy ra và Hội thánh Tin Lành nhỏ ở Hà Nội sống sót qua ba cuộc chiến tranh với vô vàn khó khăn. Dù vậy, ngày nay, Hội Thánh Tin Lành Hà Nội vẫn sống động và sung mãn với nhiều hoạt động trong tuần. Ngoài ra, còn có hơn 300 hội thánh thuộc nhiều hệ phái trải khắp thành phố chỉ trong vòng bán kính một giờ.

Những thập niên gần đây, có nhiều người Việt tin Chúa ở các nước hải ngoại và sau đó trở về Việt Nam. Hà Nội là nơi duy nhất có những hệ phái bắt nguồn từ Nga, các nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, các nhóm này không hề phân lập khỏi Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. Hơn 5 năm qua, ý thức về sự hiệp một, đồng công và khải tượng đã được phát triển sâu đậm giữa vòng nhiều lãnh đạo hội thánh ở Hà Nội.

Các hội thánh Tin Lành Hà Nội đã sẵn sàng cho thách thức mới: Hoàn toàn dự phần trong mọi lĩnh vực xã hội của thành phố. Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, cho phép các hội thánh thành lập những tổ chức chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Điều này đòi hỏi một tư tưởng thần học mới để đối diện với những thách thức đô thị trong tương lai.

bottom of page